Nowhere Land

Wednesday, January 12, 2005

Toulouse 09/2002- 07/2003


Cầu Pont Neuf trên sông Garonne ở Toulouse

Thời gian tôi ở Toulouse khoảng 10 tháng từ ngày 23/09/2002 cho tới cuối tháng 7 (hình như là 25/07/2003). Một khoảng thời gian có nhiều vui buồn lẫn lộn.

Toulouse là một thành phố ở phía tây nam nước Pháp, nằm trên dãy Pyrenees, trong khu vực Midi-Pyrenees. Thành phố có số dân lớn thứ 3 hay 4 của Pháp, nhưng có lẽ ít được biết đến hơn những thành phố như Marseilles hay Nice. Điều đáng chú ý là tỷ lệ sinh viên ở đây rất cao, hình như là cao nhất nước Pháp. Ngoài việc là nơi tập trung nhiều trường Đại học, Toulouse còn nổi tiếng là trung tâm hàng không của châu Âu (hãng Airbus sản xuất máy bay ở đây).

Không kiêu sa như Paris, Toulouse có vẻ đẹp giản dị của một thành phố nhỏ. Giọng nói của người dân cũng Toulouse được coi là có accent khá nặng, không nhẹ như giọng Paris (đấy là tôi nghe nói thế chứ tôi không phân biệt được giữa tiếng Pháp với tiếng Tây Ban Nha nên tất nhiên không phân biệt được giọng Toulouse và giọng Paris rồi). Người Toulouse cũng rất hay nói merde hơn ở những nơi khác, hoặc ít nhất là các bạn người Việt của tôi hay nói thế, hihi.



Canal du Midi (từ chỗ tôi ở đi ra chỗ được chụp ảnh này mất chừng 5 phút)

Buổi chiều chủ nhật, tôi hay đi bộ dọc theo con kênh Canal du Midi, hình như cũng được xếp vào di sản thế giới. Từ ký túc xá tôi ở, nếu đi dọc kênh này chừng 20 phút sẽ tới sông Garonne, một dòng sông xinh xắn và dịu hiền. Dọc theo sông Garonne là những bức tường cũ kỹ, xung quanh cây cối mọc um tùm. Người dân Toulouse hay ra bờ sông dạo chơi vào cuối tuần, nhất là vào những ngày nắng. Sau khi ngồi trên kè sông hóng mát và ngắm các cô gái mặc áo hai dây tung tăng qua lại, tôi sẽ tạt vào ký túc xá ở cạnh đấy, nói chuyện phiếm và nghe nhạc với các cô gái hay uống bia, hoặc uống nước chè hoặc hút thuốc lá với anh bạn tôi. Có những hôm cuối tuần ngồi uống rượu đến 1-2 h sáng mới lại ngược trở về nhà.

Khi hoàng hôn xuống, ven bờ sông Garonne các quán bia bắt đầu đông khách. Nhiều quán cũng kê cả bàn ghế ra bên ngoài vỉa hè. Giá cả nói chung cũng khá ổn vì các quán này ở gần trường Đại học nên khá hữu nghị với sinh viên.

Đôi khi tôi cũng ra bờ sông Garonne vào buổi tối. Các cây cầu lớn trên sông Garonne lúc này đều thắp sáng đèn, mỗi cầu được trang hoàng một màu đèn khác nhau: đỏ, xanh, trắng...toả ra thứ ánh sàng mờ ảo lung linh trên mặt nước trong đêm tối trời.

Cũng có khi buổi chiều tôi không ra sông Garonne mà vào trung tâm thành phố (cũng đi bộ chừng 25-30 phút). Ở Toulouse có rất ít con đường lớn, hào nhoáng và hiện đại như ở Paris mà chủ yếu là những con đường nhỏ quanh co, hai bên đường là những toà nhà cũ kỹ, những hiệu sách cũ, quán cafe, nhà thờ, đại lý du lịch...Có rất nhiều con đường như thế từ các hướng đều đổ tới trung tâm là Place du Capitole, ở đó có toà thị chính thành phố và các siêu thị lớn. Nhưng tôi thường thích cảm giác đi dạo dọc những con phố nhỏ kia, và nếu đi cùng ai đó thì có thể tạt vào một quán cafe nào đó ở bên đường (nếu hôm nào cảm thấy rủng rỉnh) và gọi 1 ly bia để có một cảm giác lâng lâng vào cuối tuần ở một thành phố vừa quen mà cũng vừa lạ.



Một con phố ở Toulouse

Tôi đã từng đến Paris 4 lần với tổng thời gian chắc không dưới 1 tháng. Lần đầu tiên đến tôi chưa cảm thấy thích Paris lắm. Nhưng ở Paris lâu hơn, tôi bắt đầu cảm thấy được vẻ đẹp của Paris, một vẻ đẹp ngọt ngào nhưng cũng man mác, giống như khi ta ăn một viên kẹo bạc hà (hoặc là uống trà bạc hà, hi hi). Paris, thành phố lộng lẫy. Paris, thành phố nghệ sỹ và lãng mạn. Paris, thành phố hiện đại và dửng dưng...Paris như một người đẹp lãng mạn, nàng thật đẹp, thật nồng nhiệt làm cho ta say đắm nhưng ta biết rằng nàng chẳng bao giờ hoàn toàn thuộc về ta (mà cũng có thể đó chính là lý do mà ta say đắm nàng).

Toulouse không có được vẻ đẹp làm say đắm lòng người như Paris. Nó đẹp trong sự mộc mạc, tĩnh lặng và thân thiện. Như một cô gái mà ta có thể tin chắc được rằng nàng yêu ta và ta yêu nàng.


Place du Capitole

(Note: Các ảnh đều lấy từ Internet. Cảm ơn Tarzan vì link ảnh Canal du Midi)

6 Comments:

Post a Comment

<< Home