Nowhere Land

Thursday, February 10, 2005

Hà Nội - một thế kỷ café

Ngày trước có bài gì về cà phê của HN mà em G dịch, sau đó có đăng trên Vnexpress ấy nhỉ


Dĩ nhiên café là thứ nguời Pháp mang đến Hà Nội. Nhưng không ai có thể ngờ rằng, cái thứ nuớc đen ngòm đắng ngắt đó sẽ nhanh chóng hoà nhập vào ẩm thực của người bản xứ. Để sau hơn một thế kỷ, chính nó cũng tạo thành một nét rất riêng của Hà Nội.

Ngược dòng thời gian trở về hơn một thế kỷ trước, tôi như thấy mình đang ngồi trên sân thượng quán café bà Beira ồn ào bên phố Hàng Khảm (nay là Tràng Thi - Tràng Tiền). Từ đó có thể nhìn ra hồ gươm tối om, có thể thấy lại những mảnh quá khứ nho nhỏ của Hà Nội...

Tìm lại quán café đầu tiên

Sự ra đời của các quán café dọc phố Hàng Khảm lúc bấy giờ như khẳng định sự hiện diện của người Pháp và lối sống Tây bên cạnh khu 36 phố phường của người bản xứ. Qua những ghi chép người Pháp để lại, họ miêu tả nó như một cái làng lớn, trừ những khu phố Tàu sầm uất, tất cả đều luộm thuộm bẩn thỉu. Đó là những khu phố với những ngôi nhà gianh lụp xụp, lồi ra thụt vào, cửa ra là những tấm liếp được đẩy lên hạ xuống khi đóng mở.

Đường phố không được lát, chỉ hơi mưa một chút là đã ngập hàng tấc bùn, trong đó pha trộn đủ loại rác rưởi dân chúng vứt ra… Khu vực ven Hồ Gươm thì đúng là một khu ổ chuột, những người tò mò nhất cũng không đủ kiên trì để vượt qua những ngõ ngách lầy lội, bẩn thỉu để ra mép nước vì người dân ở lấn cả xuống mặt hồ bằng cách đóng xuống những cái cọc dựng lều bên trên…

Trong cảnh đó phố Hàng Khảm (xin nhắc lại đây là phố Tràng Thi - Tràng Tiền ngày nay) đã được người Pháp xây dựng đầu tiên. Đó là một con đường rộng chưa tới 3m đầy những hồ nước hôi thối (năm 1883), cách khoảng 10m lại có một quầy ghê tởm (quầy bán thuốc phiện năm 1884), và đến năm 1885 thì nó đã biến thành một đường phố hiện đại thực sự với chiều rộng từ 16 - 18m, những quán café cũng nhanh chóng mọc lên ở đây…

Từ năm 1884 - 1885, số hiệu café tăng lên rất nhiều, chỉ tính riêng trên phố Hàng Khảm đã có hiệu “Café du Commerce - phố Hàng Khảm đối diện Trường Tiền - nơi hội tụ của các quý ông thương gia”, “Café de Pari, phố Hàng Khảm gần khu Nhượng địa”, Café Albin, Café de la Place, Café Block (hiệu này từ năm 1886 do Alexandre Aibicher làm chủ)…

Nhưng sớm nhất và nổi tiếng nhất Hà Nội là “Café de Beira, nơi hội tụ của quý ngài sĩ quan”. Đó cũng là quán café duy nhất mà giờ đây chúng ta có thể hình dung được sự ồn ào của nó qua những mô tả của Paul Bonnetain trong các ghi chép của tác giả này về Bắc Kỳ: “Chủ quán là bà Beira, một người có tuổi tốt bụng, choàng khăn, bán căng tin trong quân đội về hưu, nhưng mắt vẫn còn tinh và nói năng trôi chảy. Bà Beira đã cho tăng đôi gấp số bàn ghế trên sân thượng và dưới hiên vì người ta còn mang cả rượu đến đây để uống, và vì Hà Nội đang sống rất vội vã. Từng nhóm sĩ quan đổ ra kéo nhau và kéo nhau vào các quán café xoàng xĩnh không tìm ra đâu hơn chỗ này được nữa. Họ ngồi vào bàn giữa tiếng chào ầm ĩ. Các bàn tay không ngừng xiết chặt nhau…”

Có lẽ chẳng ai biết gì thêm về quán Beira nữa. Nhưng đương thời, sự nổi tiếng của nó đã được tờ Thời báo (Le Temps) lúc bấy giờ nhận xét: “Hiệu café của bà Beira là một thiết chế của Hà Nội”. Hẳn là nhờ sự tụ họp thường xuyên và đông đảo của đám sĩ quan, những kẻ tự coi là anh hùng vì đã chiếm được nhiều tỉnh thành chỉ với vài tên lính (chính xác là vài trăm lính - TG). Bà Beira có nhận một cậu bé người VN mà bà đặt tên là Paul làm con nuôi. Người ta thường thấy bà la rầy đứa trẻ.

Một thế kỷ hình thành phong cách

Có thể thời kỳ đầu của quán café HN như một hình ảnh mô phỏng ở Pháp vì thực sự chúng chỉ dành cho người Pháp mà thôi. Đôi khi, chúng là nơi tụ tập của đám lính tráng như một câu lạc bộ giải trí. Có một minh chứng là trên tờ Tương lai Bắc Kỳ số ngày 5-8-1885 có một thông báo khá kỳ lạ sau: Dân chúng Pháp tại Hà Nội yêu cầu: Một cửa hiệu thịt bò/ Một hiệu giặt theo kiểu Pháp…và cuối cùng là các bàn bi-a trong các hiệu café.

Một thế kỷ trôi qua, café đã trở thành một phần đời sống của người Hà Nội. Mấy chục năm trước, “tam giác café” Nhân-Lâm-Giảng trở thành những địa chỉ sang trọng, lịch lãm. Café Giảng nổi tiếng với món café trứng, nhưng nay không có người kế tục nữa. Café Nhân giờ vẫn đông khách. Café Lâm thì vẫn là địa chỉ của những người yêu tranh…

Cũng giống như thời trang, mỗi hiệu café đều tạo dựng một phong cách, có hiệu cố giữ kiểu cách lịch lãm thời bao cấp với những bàn ghế gỗ, đèn đóm tối âm âm, người ra vào đông đúc. Trong đó có không ít vị khách về hưu thích trở lại mốt mũ phớt, batoong. Hà Nội cũng du cũng nhập thêm lối uống café của người nước ngoài, ví dụ Capuchino là theo kiểu Italia.

Chưa ai đặt tên, nhưng Triệu Việt Vương, Hành Hành trở thành những “phốcafé”, “phường café”, ở đó có đủ loại, từ café máy lạnh đến café vỉa hè, dùng bồn cây làm bàn, gốc cây làm gạt tàn. Mấy năm nay, café Trung Nguyên bung ra, với gu riêng: Cửa hiệu rộng rãi, lịch sự.

Nhưng café Trung Nguyên cũng dần dần trở thành những quầy giải khát tổng hợp và giống hệt nhau ở mọi nơi mọi chỗ. Chắc chắn nó sẽ ngày càng bành trướng theo xu thế của thời đại công nghiệp, nhưng nó không thể thay thế được cho những quán café trăm năm của HN, bởi ở đó, chúng ta có thể thưởng thức những hương vị và những không gian sống hoàn toàn khác nhau.

DOÃN PHƯƠNG (Báo Xuân Gia Đình và Xã hội)