Nowhere Land

Sunday, March 27, 2005

About Schmidt- loneliness and sadness



Một người đàn ông về hưu sau khi vợ chết lên đường tìm đến con gái để khuyên cô này không cưới người chồng mà theo ông là crap. Một bộ phim ảm đạm về sự bất hạnh của con người, là nỗi đau khổ, sự giận dữ, sợ hãi và cô đơn ẩn chứa trong một con người bình thường mà ta có thể gặp hàng ngày, và có thể phần nào ở trong bản thân mỗi người.

Schmidt có thể nói là một người Mỹ trung lưu, khá thành đạt về mặt sự nghiệp, sống với một người vợ trong hơn 40 năm và có một cô con gái xinh đẹp và có công việc tốt. Nhưng bên trong ông là một người rất bất hạnh và cô đơn mặc dù chỉ sau cái chết của người vợ ông mới nhận ra được sự bất hạnh đó của mình. Lạc lõng và cô đơn, sống cả cuộc đời, chịu đựng như là một thói quen với một người vợ không hiểu mình và cũng từng có affair với bạn thân của ông, có một cô con gái hình như có rất ít tình cảm với cha mẹ, dường như chẳng có ai quan tâm tới ông, tới hạnh phúc hay bất hạnh, cái sống hay cái chết của ông. Bộ phim mô tả sự thực gần như nguyên vẹn, không cường điệu và gần như không có kịch tính gì đáng kể, cứ đều đều trầm lặng và buồn nản như cuộc sống của ông Schmitd. Jack Nicholson đóng phim này rất tuyệt (thật tiếc là ông không đoạt giải Oscar cho phim này), đoạn cuối ông khóc khi nhìn vào bức tranh của đứa trẻ Tanzania mà ông bảo trợ cùng với lời chúc happiness, tôi cũng cảm thấy cay cay mũi. Có lẽ ông nhận ra rằng cuộc sống của ông (cùng với số tiền bảo trợ $22 mỗi tháng) chỉ thực sự có ý nghĩa với đứa trẻ đó chăng?.

Nếu như American Beauty là bi kịch middle age của một người Mỹ (và một gia đình Mỹ) trung lưu với những khát khao và thất vọng trong một cuộc sống theo chuẩn mực American Dream thì About Schmidt là bi kịch của những người về hưu, những người đột ngột bị cuốn văng ra khỏi chiếc guồng máy của những giấc mơ Mỹ sau nửa cuộc đời gắng sức đua chen cố gắng đạt được những gì mà mình không thực sự tìm kiếm. Sự ghẻ lạnh của tuổi già trong một xã hội đua chen, tiêu thụ, cá nhân hoá và ghê sợ tuổi già hẳn sẽ mang đến không ít những bi kịch nhợt nhạt như Schimidt. Có thể hình dung một ngày nào đó, ông sẽ đột ngột lên cơn đau tim và chết trong căn hộ của mình, ba ngày sau người ta mới biết. Hoặc là sẽ kết thúc cuộc đời của mình trong một trại dưỡng lão, cả ngày ngồi yên một chỗ dán mắt vào những bức tường. Khi xem phim, tôi không khỏi giật mình với ý nghĩ không khéo chỉ hơn 30 năm nữa thôi (tức là khoảng thời gian nhiều hơn thời gian từ khi mình sinh ra tới giờ một chút), cuộc đời của mình biết đâu cũng có thể như vậy. Nếu con người cứ tiếp tục sống theo thói quen, sống theo công thức, không dám thể hiện những cảm xúc và suy nghĩ thực của mình chỉ vì "too nice to show it", rất có thể họ sẽ chẳng bao giờ nhận ra là họ bất hạnh mà chỉ coi đó là một phần của cuộc sống. Và cũng sẽ không cảm thấy quý giá những khoảnh khắc hạnh phúc. Câu nói của Schmidt với người phụ nữ hiểu được cảm giác bên trong của ông chỉ sau 1 tiếng đồng hồ gặp gỡ cũng thật đáng suy nghĩ: "Nếu tôi gặp một người nào đó giống như cô trước đây, có thể..."

Vậy thì bất hạnh của Schmidt có lẽ là ở chỗ ông đã không dám bỏ công việc lương cao để theo đuổi ước mơ mở một công ty riêng vì vợ ông chắc chắn sẽ không đồng ý, ông đã không dám đi những chuyến du lịch thăm các địa danh xa lạ mà ông hằng mong đến vì vợ ông không muốn, đã chấp nhận ngồi xổm để urinate vì vợ ông muốn vậy. Cũng như thế, cuối cùng ông vẫn phải phát biểu để tán dương và cám ơn chàng rể mặc dù ông vẫn không ưa anh ta chỉ vì ông không muốn bị mất con gái. Và bà vợ của ông ắt hẳn cũng bất hạnh vì có lẽ cũng phải che giấu những cảm xúc và suy nghĩ thực của bà, bằng cớ là bà vẫn giữ những bức thư của người tình cũ từ hàng chục năm trước.

Một bộ phim đáng xem, không đẹp gần hoàn hảo và thought-provocating như American Beauty nhưng cũng khiến người xem phải nghĩ ngợi về sự ngắn ngủi của cuộc đời. Chỉ riêng diễn xuất của Jack Nicholson trong phim này cũng đã đủ để nên xem rồi.

1 Comments:

  • Đúng rồi. Ông này đóng trong One flew và Chinatown.
    À, đừng để ý cái comment ở trên của tớ, hi hi.

    By Blogger Linh, at 3/27/2005 7:12 PM  

Post a Comment

<< Home