Nowhere Land

Sunday, May 01, 2005

30/4- 30 năm chiến tranh- 30 năm sau chiến tranh


Ba con số 30 tròn trĩnh. Nếu kể thêm thì có thể kể thêm hơn 3 triệu người chết trong cuộc chiến này và 3 triệu người Việt giờ đây sinh sống ở nước ngoài do kết quả của chiến tranh (một điều có vẻ như nghịch lý vì thông thường các làn sóng người tị nạn thường xảy ra khi có chiến tranh chứ không phải là khi kết thúc chiến tranh).
Cũng chẳng biết nói gì thêm về quá khứ vì chắc rằng ai cũng có những suy nghĩ, những trải nghiệm riêng của mình và cả những thiên kiến riêng nữa, rất khó có thể thay đổi. Nhưng đôi lúc nhìn lại một cuộc chiến tranh dữ dội và tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc Việt có lẽ cũng là cần thiết, vì chẳng thể nào phủ nhận được quá khứ và ký ức của chính mình được. Như anh chàng trong phim Eternal sunshine of a spotless mind, muốn lãng quên nhưng lại hiểu ra rằng lãng quên mới thực sự là đáng sợ vì quá khứ ấy đã trở thành một phần của mình rồi và điều đó cũng tương tự như cố gắng giết chết một phần của bản thân mình.

Hai bài thơ sau của hai nhà thơ thuộc về hai phía trong chiến tranh. Người thắng, kẻ thua, với những tâm sự khác nhau nhưng đọng lại cùng là một nỗi buồn, buồn và xót xa. Có lẽ bởi vì đó mới thực sự là kết cục của chiến tranh, chẳng thế mà Bảo Ninh mới đặt tên tác phẩm của mình là "Nỗi buồn chiến tranh".

Ai? Tôi?- Chế Lan Viên

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó ?
Tôi !

Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong.
Một trong ba mươi người kia ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ,
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !
Ai chịu trách nhiệm vậy ?
Lại chính là tôi !

Người lính cần một câu thơ
giải đáp về đời,
Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong

Mà tôi xấu hổ.
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười


---------------------------------------------------

Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển- Du Tử Lê

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối

Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)

Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.