Jared Diamond- Sự tiến hoá của súng và vi trùng
Jared Diamond
Lời giới thiệu:
Jared Diamond, sinh năm 1937, hiện là giáo sư ngành địa lý học và sinh lý học ở trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA). Ông là một trong những học giả uyên thâm và hiểu biết đa ngành nhất thế giới hiện nay. Ông nói được hơn 10 thứ tiếng và nghiên cứu rất nhiều lĩnh vực từ sinh học, sinh lý học, địa lý học, nhân chủng học, môi trường, khảo cổ học cho tới các kiểu dáng của máy chữ và lịch sử Nhật Bản thời phong kiến. Do kiến thức rất rộng của ông và do ông có nhiều bài viết về các lĩnh vực khác nhau trên các tạp chí chuyên ngành, nhà sinh vật học Markl Ridley từng nói đùa rằng “Jared Diamond” không phải là một người mà là bút danh của một nhóm tác giả. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó nổi tiếng nhất là hai cuốn “Súng, vi trùng và thép- Số phận của các xã hội loài người” xuất bản năm 1997 và “Sụp đổ: Các xã hội chọn lựa thất bại hay thành công như thế nào” xuất bản năm 2004, trong đó cuốn “Súng, vi trùng và thép- Số phận của các xã hội loài người” đoạt giải thưởng Pulitzer cho thể loại sách phi hư cấu (non-fiction). Theo bình chọn của tạp chí Prospect của Anh năm 2005, Jared Diamond đứng vị trí thứ 9 trong danh sách 100 nhà trí thức có ảnh hưởng nhất trên toàn cầu hiên nay.
Khác với nhiều nhà nghiên cứu khác thường chỉ áp dụng một vài chuyên ngành hẹp và tập trung vào các xã hội có trình độ phát triển văn minh cao, thường là chỉ ở châu Âu hay châu Á và trong khoảng 2-3000 năm trở lại đây, Jared Diamond đặt ra cho mình nhiệm vụ giải thích tiến trình lịch sử loài người trên tất cả các châu lục trong 13.000 năm qua. Để tìm ra câu trả lời, ông áp dụng những kết quả nghiên cứu từ nhiều chuyên ngành khác nhau: sinh học, địa lý học, khảo cổ học, ngôn ngữ học…
Bài viết sau đây được in trong tập tiểu luận “Tiến hoá- Xã hội, Khoa học và Vũ trụ” do A.C Fabian chủ biên và Nhà xuất bản Đại học Cambridge xuất bản năm 1998. Trong bài viết này, bên cạnh việc lý giải nguyên nhân dẫn đến những khác biệt trong sự phát triển của loài người giữa các châu lục, Jared Diamond cũng tìm cách hàn gắn và liên kết giữa lịch sử, vốn bị nhiều nhà khoa học cho rằng ít tính khoa học, với các ngành “khoa học cứng” như sinh học nhất là trong việc áp dụng thuyết tiến hoá để giải thích quá trình phát triển của xã hội loài người.
Chương này đặt ra nhiệm vụ khiêm tốn là giải thích xu hướng chung của lịch sử các châu lục trong 13.000 năm qua. Tại sao lịch sử lại mang đến những hướng đi khác nhau cho người dân sống ở các châu lục khác nhau như vậy?
Người Âu- Á, đặc biệt là những nhóm người sống ở châu Âu và Đông Á, đã lan toả khắp thế giới. Họ và những con cháu của họ ở bên kia bờ đại dương ngày nay thống trị trên khắp thế giới hiện đại cả về tài sản và quyền lực. Các nhóm người khác, đặc biệt là hầu hết người châu Phi, vẫn tồn tại và ngày nay đã lật đổ được sự thống trị của châu Âu nhưng vẫn bị tụt hậu nhiều về tài sản và quyền lực. Và còn những nhóm người khác, gồm cả những cư dân nguyên thuỷ ở Australia, châu Mỹ và Nam Phi, ngày nay không còn làm chủ đất đai của họ mà bị tàn sát, chinh phục và thậm chí diệt chủng bởi thực dân châu Âu. Tại sao lịch sử lại diễn ra như vậy, chứ không phải theo chiều ngược lại? Tại sao người Indian ở châu Mỹ, người châu Phi và thổ dân Australia lại không phải là những người chinh phục hay diệt chủng người châu Âu và châu Á?
Câu hỏi này có thể được đẩy lùi thêm một bước nữa. Cho tới năm 1500 Công nguyên, vào khoảng thời gian khi cuộc chinh phục lãnh thổ của châu Âu mới bắt đầu, các nhóm dân ở các lục địa khác nhau đã rất khác nhau về các mặt công nghệ và tổ chức chính trị. Hầu hết lãnh thổ Âu-Á và Bắc Phi lúc đó được cai trị bởi các nhà nước và đế quốc thời kỳ Đồ sắt và một số nước đã trong quá trình công nghiệp hoá. Hai nhóm người thổ dân châu Mỹ là người Inca và người Aztec cai trị các đế quốc đang trong thời kỳ Đồ đá hay cận Đồ đồng. Một số vùng đất ở châu Phi cận Sahara được chia xẻ bởi các nhà nước hay các tù trưởng bản xứ trong thời kỳ Đồ đồng. Tất cả các nhóm người ở Australia, New Guinea và các đảo Thái Binh Dương cũng như rất nhiều nhóm người ở châu Mỹ và châu Phi cận Sahara sống bằng nghề nông hay săn bắn-hái lượm và ở trong thời kỳ Đồ đá.
Rõ ràng, những khác biệt của các nhóm người này vào năm 1500 Công nguyên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bất bình đẳng trong thế giới hiện đại. Các đế quốc thời kỳ Đồ sắt chinh phục hay diệt chủng các bộ lạc thời kỳ Đồ đá. Nhưng làm thế nào mà thế giới lại ở vào tình trạng như ở năm 1500?
Câu hỏi này, cũng có thể được đẩy lùi thêm một bước nữa, với sự trợ giúp của các tài liêu lịch sử và các phát hiện khảo cổ. Cho tới Kỷ Băng hà cuối cùng vào khoảng 11.000 năm trước Công nguyên, loài người ở trên tất cả các lục địa đều đang trong tình trạng săn bắn-hái lượm trong thời Đồ đá. Tốc độ phát triển không đồng đều diễn ra ở các lục địa khác nhau, từ năm 11.000 trước Công nguyên cho tới 1500 Công nguyên, chính là nguyên nhân dẫn đến sự bất bình đẳng vào năm 1500 Công nguyên. Trong khi thổ dân Australia và thổ dân châu Mỹ vẫn trong tình trạng săn bắn- hái lượm ở thời Đồ đá thì hầu hết các nhóm người Âu-Á và nhiều nhóm người ở châu Mỹ và châu Phi cận Sahara châu Phi đã dần dần phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, luyện kim và có tổ chức chính trị phức tạp. Nhiều vùng ở lục địa Âu-Á, và một vùng ở châu Mỹ cũng hình thành chữ viết. Nhưng tất cả các thành tựu này đều diễn ra trước tiên ở lục địa Âu-Á. Chẳng hạn, việc sản xuất hàng loạt các công cụ đồ đồng chỉ bắt đầu phổ biến ở vùng núi Andes Nam Mỹ trong vài thế kỷ trước năm 1500 Công nguyên, trong khi nó đã phổ biến ở nhiều vùng đất Âu-Á từ trước đó 5000 năm. Công nghệ đồ đá của thổ dân Tasmania vào năm 1500 Công nguyên còn đơn giản hơn của người Thượng Palaeolithic ở châu Âu hàng chục nghìn năm trước đó.
Đến đây, chúng ta có thể đặt lại câu hỏi ban đầu của chúng ta về nguồn gốc sự bất bình đẳng của thế giới như sau. Tại sao sự phát triển của con người lại diễn ra với các tốc độ không đồng đều ở các lục địa khác nhau trong vòng 13.000 năm qua? Tốc độ khác nhau đó là nguyên nhân mang lại những xu hướng phát triển khác nhau và đó chính là chủ đề của chương này.
Để có thể thấy rằng câu trả lời cho câu hỏi này không hề đơn giản, hãy tưởng tượng có một vị du khách từ ngoài không gian đến trái đất của chúng ta vào 50.000 năm trước. Nếu người ta hỏi vị du khách này dự đoán xem nhóm người nào sẽ phát triển công nghệ nhanh nhất và nhóm người nào sẽ chinh phục nhóm người nào thì vị du khách ngoài hành tinh sẽ dự đoán như thế nào? Vị du khách rất có thể sẽ trả lời “Châu Phi”, bởi vì lịch sử con người ở châu lục này đã có tới 6 triệu năm trước tất cả các lục địa khác. Vị du khách đó cũng có thể dự đoán một cách hợp lý là “Australia”, châu lục có những bằng chứng sớm nhất về con người hiện đại hoàn chỉnh nhất trên phương diện giải phẩu và hành vi. Đây cũng là nơi có bằng chứng sớm nhất về việc con người sử dụng thuyền. Vị du khách chắc chắn sẽ không chọn châu Âu, nơi loài Homo sapiens (người thông minh) chỉ mới đến cư ngụ vào 50.000 năm trước. Đối với vị du khách đó, tình trạng như hiện nay của thế giới quả là một điều bất ngờ. Vậy thì đâu là các nguyên nhân dẫn tới kết quá bất ngờ này?
Bỏ qua tiến bộ và IQ
Đọc đến đây, có lẽ nhiều người đọc sẽ bắt đầu tự hỏi: liệu chương này có phải là một cố gắng nhằm vinh danh cái được gọi là tiến bộ? Phải chăng tác giả đang tìm cách biện minh cho tình trạng hiện tại với những bất công tồi tệ của nó? Liệu đây có phải là một lời giải thích cho chủ nghĩa phân biệt chủng tôc? Do đó, tôi cần phải làm rõ ngay từ đầu hai vấn đề.
Trước hết, tôi không cho rằng sự phát triển về chính trị và kinh tế là một lợi ích tuyệt đối của con người. Việc hầu hết mọi người ngày nay có hạnh phúc hay mạnh khoẻ hơn hầu hết những người săn bắn- hái lượm ngày xưa không vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi. Rõ ràng, ngày nay, chúng ta phải đối mặt hơn hết với hiểm hoạ tự huỷ diệt so với các tổ tiên của chúng ta vào 13.000 năm trước. Ở đây, tôi chỉ muốn xem xét quá trình phát triển các quyền lực kinh tế và chính trị mà không phải đưa ra đánh giá về điều gì là tốt cho hầu hết mọi người.
Thứ hai, tôi muốn nói rõ là chương này không đề cập tới sự khác biệt về IQ (chỉ số thông minh) và nó không hề khẳng định là người châu Âu thông minh hơn các nhóm người khác. Hầu hết người châu Âu đều ngầm cho rằng như vậy mặc dù ngày nay họ biết rằng việc nói ra điều đó một cách công khai là không đúng đắn về mặt chính trị. Các dân tộc sơ khai về công nghệ thường được coi là cũng sơ khai về mặt sinh học. Điều này lại càng có vẻ thuyết phục khi mà thổ dân Australia và nhiều người New Guinea vẫn sống như những người săn bắt- hái lượm trong thời kỳ Đồ đá và thất học trong suốt 50.000 năm qua, tại một lục địa mà chỉ trong vòng một thế kỷ từ khi đặt chân đến, người châu Âu đã xây dựng nên một nhà nước hiện đại, sản xuất lương thực, có công nghiệp và học vấn. Liệu điều này có chứng tỏ được là người châu Âu vượt trội hơn thổ dân Australia không?
Tất nhiên là không rồi. Người châu Âu không tự tạo ra học vấn, sản xuất lương thực và chính phủ ở Australia mà họ nhập khẩu chúng từ bên ngoài. Nhiều nhà tâm lý học, nhất là các nhà tâm lý học ở Mỹ, đã thất bại trong việc tìm cách chứng minh sự khác biệt về IQ giữa các dân tộc. Theo quan sát của tôi từ kinh nghiệm 30 năm làm việc ở New Guinea thì người New Guinea nói chung thông minh hơn người châu Âu một cách đáng kể. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Việc chọn lọc tự nhiên về trí tuệ ở các xã hội New Guinea truyền thống diễn ra trong điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều ở xã hội châu Âu, nơi đã được tổ chức tốt về chính trị. Chính vì vậy, một người New Guinea trung bình có thể sẽ có ưu thế về gene hơn một người châu Âu. Thêm vào đó, hầu hết trẻ em châu Âu ngày nay gặp nhiều bất lợi trong quá trình phát triển do dành quá nhiều thời gian vào việc hưởng thụ bị động những thứ như radio, TV và phim ảnh, trong khi các trẻ em New Guinea dành hầu hết thời gian trong ngày để nói chuyện hay hoạt động cùng các trẻ em và người lớn khác. Tất cả các nghiên cứu tâm lý học đều thống nhất ý kiến về vai trò của các kích thích trí tuệ ở tuổi thơ tới việc phát triển trí tuệ, và thiếu đi các kích thích này thường đi kèm với sự thui chột trí tuệ. Những nhận định này, về cơ bản, cũng đúng với các dân tộc công nghiệp khác trong mối tương quan với các dân tộc trong tình trạng sơ khai về công nghệ.
Như vậy, chúng ta sẽ bỏ qua giả định thông thường mang tính phân biệt chủng tộc. Thay vào việc đặt ra câu hỏi là làm sao các dân tộc công nghiệp hoá lại thông minh hơn, chúng ta phải đặt câu hỏi là: tại sao các nhóm người ở thời kỳ Đồ đá, mặc dù có thể thông minh hơn về gene và rõ ràng có lợi thế phát triển hơn, lại bị tụt lùi về công nghệ và bị người Âu-Á chinh phuc?
Với những xu hướng lịch sử khác nhau tại nhiều lục địa và trải qua thời gian hàng ngàn năm, chúng ta không thể giải thích bằng sự xuất hiện ngẫu nhiên của một vị thiên tài nào đó, chẳng hạn vì Alexander Đại đế tình cờ sinh ra ở Macedonia chứ không phải ở nơi mà ngày nay là bang Missisippi. Tôi sẽ chỉ ra rằng câu trả lời cho câu hỏi này không liên quan tới sự khác nhau của chính các dân tộc mà do sự khác nhau về môi trường sinh học và địa lý của các dân tộc này.
Châu Âu và Tân thế giới: Các nhân tố trực tiếp
Để bắt đầu sự so sánh giữa các lục địa, chúng ta hãy xem xét sự đụng độ giữa Cựu Thế giới và Tân thế giới, được mở đầu với chuyến viễn du của Columbus vào năm 1492. Các nhân tố trực tiếp dẫn tới kết quả của cuộc đụng độ này đã được nhiều người biết đến. Tôi sẽ tóm tắt ngắn gọn về lịch sử Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu và châu Á bao gồm cả quá trình thuần dưỡng động vật, ngành trồng trọt và quá trình tiến hoá của các bênh truyền nhiễm.
Hầu hết chúng ta đều biết đến câu chuyện chỉ vài trăm người Tây Ban Nha dưới quyền của Hernan Cortes đã lật đổ được Đế quốc Aztec và chỉ vài trăm người Tây Ban Nha khác dưới quyền Francisco Pizarro đã lật đổ Đế quốc Inca. Dân số của mỗi đế quốc này lên tới hàng triệu người và có thể là hàng chục triệu người. Ở thành phố Cajamarca của người Inca, ngày nay thuộc Peru, khi Pizarro bắt được Hoàng đế Atahualpa của người Inca năm 1532, ông ta chỉ có 62 kỵ binh và 106 bộ binh, trong khi đó Atahualpa có một đạo quân Inca gồm 40.000 chiến sĩ.
Hầu hết chúng ta cũng đều biết đến những chi tiết đáng buồn về cách thức người châu Âu chinh phục các phần còn lại của Tân thế giới. Hậu quả là ngày nay, người châu Âu đã định cư và thống trị ở hầu hết lãnh thổ Tân thế giới, trong khi dân số thổ dân châu Mỹ giảm nhanh chóng so với thời điểm năm 1492. Tại sao sự việc lại diễn ra như vậy? Tại sao lại không phải là Montezuma hay Atahualpa lãnh đạo người Aztec hay người Inca đi chinh phục châu Âu?
Lý do trực tiếp thật hiển nhiên. Những kẻ xâm lăng châu Âu có các thanh gươm bằng thép và có súng ống, trong khi người thổ dân châu Mỹ chỉ có đá và vũ khí bằng gỗ. Cũng giống ở những nơi khác trên thế giới, ngựa mang lại cho những kẻ xâm lược Tây Ban Nha một lợi thế to lớn nữa trong cuộc chinh phục người Inca và người Aztec. Ngựa đã đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử quân sự kể từ khi chúng được thuần dưỡng vào khoảng năm 4000 trước Công nguyên ở Ukraine. Chúng đã làm thay đổi triệt để cách thức tiến hành chiến tranh ở miền đông Địa Trung Hải vào khoảng năm 2000 trước Công nguyên. Sau này, ngựa cũng giúp người Hun và người Mông Cổ làm cả châu Âu kinh hoàng và tạo nên cơ sở quân sự cho các vương quốc ra đời ở Tây Phi vào khoảng năm 1000 Công nguyên. Từ thời tiền sử cho tới Thế chiến thứ nhất, tốc độ tấn công và thoái lui do ngựa mang lại, sức mãnh liệt trong tấn công và tầm hoạt động cao khi chiến đấu trên lưng ngựa khiến cho bộ binh gần như trở thành vô dụng ở các địa hình trống trại. Gươm thép, súng và ngựa là các lợi thế quân sự giúp cho vài chục kỵ binh Tây Ban Nha có thể đánh bại được những đạo quân hàng chục ngàn người Indian ở Nam Mỹ.
Thế nhưng, súng, gươm thép và ngựa không phải là các nhân tố trực tiếp duy nhất trong cuộc chinh phục Tân Thế giới của châu Âu. Số người Indian bị giết trên chiến trường bởi súng và gươm ít hơn nhiều số người bị giết ở nhà của họ do các bệnh dịch truyền nhiễm như bệnh đậu mùa và bênh sởi. Các bệnh dịch này từng lan tràn ở châu Âu và người châu Âu đã có được khả năng miễn nhiễm và di truyền những khả năng này nhằm chống cự với chúng, nhưng người Indian thì không có khả năng đó ngay từ đầu. Các bệnh dịch được lây lan từ người châu Âu tới người Indian rồi truyền từ bộ lạc Indian này sang bộ lạc Indian khác, thậm chí còn trước khi người châu Âu đến khá lâu, và giết chết khoảng 95 phần trăm dân số người Indian ở Tân Thế giới.
Vai trò của các bệnh dịch truyền nhiễm ở Tân Thế giới cũng được tái lập ở nhiều nơi khác trên thế giới. Ví dụ, các bệnh dịch do người châu Âu mang lại đã tiêu diệt rất nhiều người thổ dân Australia, người Khoisan ở nam châu Phi và dân cư ở nhiều hòn đảo Thái Bình Dương. Nhưng cũng có những trường hợp mà bệnh dịch lại gây khó khăn cho người châu Âu: các bệnh truyền nhiễm ở vùng nhiệt đới châu Phi, Đông Nam Á và New Guinea là những trở ngại quan trọng nhất tới việc chinh phục thuộc địa của châu Âu ở những nơi này.
Cuối cùng, vẫn còn có một tập hợp các yếu tố trực tiếp khác cần phải được xem xét. Bằng cách nào mà Pizarro và Cortes lại có thể tới Tân Thế giới trước khi các chiến binh người Aztec và Inca có thể tới được châu Âu? Việc này phụ thuộc trước hết vào các tàu thuyền có khả năng vượt đại dương. Người châu Âu có những con tàu như thế trong khi người Aztec và người Inca không có. Những con tàu này được hỗ trợ bởi những hình thái tổ chức chính trị cho phép Tây Ban Nha và các nước châu Âu khác tài trợ, đóng tàu, cung cấp nhân lực và trang bị cho các con tàu đó. Vai trò của chữ viết cũng quan trong không kém trong việc phổ biến nhanh chóng các thông tin có độ chính xác cao, bao gồm bản đồ, chỉ dẫn đường đi và ghi chép của những người du hành trước đó để từ đó thúc đẩy những nhà khám phá sau này. Chữ viết rõ ràng là quan trọng. Ngày nay, chúng ta có thể thấy được sự ngây thơ cùng cực là nguyên nhân khiến Atahualpa lọt vào bẫy của Pizzarro và Montezuma lầm tưởng Cortes là một vị thần vừa quay trở lại xứ sở. Do người Inca không có chữ viết còn người Aztec thì chỉ mới có chữ viết trong một thời gian ngắn, họ không thể thừa hưởng những tri thức tích lũy trên cơ sở chữ viết trong hàng nghìn năm lịch sử. Vì thế, họ ít có khả năng hiểu được hành vi con người và những trò chơi bẩn có thể có của con người trong khi Pizarro và Cortes lại có thể làm được những việc này.
Châu Âu và Tân thế giới: Các nhân tố cốt lõi
Tới đây, chúng ta đã xác định một loạt các yếu tố trực tiếp đằng sau việc chinh phục Tân Thế giới của châu Âu: tàu thuyền, tổ chức chính trị và chữ viết đã đưa người châu Âu tới Tân thế giới; vi trùng châu Âu giết chết hầu hết người Indian trước khi họ có thể bước ra được chiến trường; còn súng, gươm thép và ngựa giúp người châu Âu có được lợi thế to lớn trên chiến trường. Đến đây, chúng ta hãy thử đẩy chuỗi nhân quả này lùi xa thêm một chút nữa. Tại sao các lợi thế trực tiếp này lại thuộc về Cựu Thế giới chứ không phải Tân Thế giới? Về mặt lý thuyết, chẳng phải người Indian châu Mỹ hoàn toàn có thể là những người đầu tiên làm ra gươm thép, đóng được tàu vượt đại dương, xây dựng các đế quốc và có chữ viết, cưỡi trên các con thú được thuần dưỡng đáng sợ hơn cả ngựa và mang trong mình những vi trùng còn tệ hơn cả bệnh đậu mùa?.
Phần dễ trả lời nhất của câu hỏi này là các lý do giải thích tại sao những vi trùng tồi tệ nhất lại tồn tại ở lục địa Âu-Á. Một điều đáng ngạc nhiên là người Indian ở châu Mỹ không truyền cho người châu Âu một bệnh dịch nguy hiểm nào trong khi lại phải gánh chịu rất nhiều bệnh dịch nguy hiểm từ Cựu Thế giới.
Có hai lý do đơn giản dẫn tới sự bất cân bằng này. Trước hết, hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm mà chúng ta biết đều chỉ tồn tại được trong các cộng đồng dân cư sống tập trung ở các làng xã hay thành thị và những hình thái tổ chức này xuất hiện ở Cựu Thế giới trước Tân Thế giới rất lâu. Thứ hai, hầu hết các bệnh dịch truyền nhiễm của con người đều phát triển trên những bệnh dịch tương tự ở động vật nuôi mà con người có liên hệ. Chẳng hạn, bệnh sởi xuất hiện từ một bệnh dịch của gia súc, bệnh cúm từ bệnh của lợn, đậu mùa từ bệnh của bò và sốt rét từ bệnh của một số loài chim như gà. Châu Mỹ có rất ít động vật được thuần dưỡng mà con người có thể nhiễm bệnh từ đó: chỉ có giống llama/alpaca[1] và lợn guinea[2] ở vùng núi Ande, vịt Muscovy ở Nam Mỹ nhiệt đới, gà tây ở Mexico và chó ở khắp châu Mỹ. Trái lại, hãy thử xem những loài vật nuôi ở lục địa Âu-Á: ngựa, bò, cừu, dê, lợn và chó ở khắp nơi trên cả lục địa; nhiều loài vật nuôi có tính địa phương như trâu nước và tuần lộc; những loài động vật có vú nhỏ được thuần dưỡng như mèo và thỏ; và nhiều giống chim nuôi, kể cả gà, ngỗng và ngan.
Đến đây, chúng ta hãy đẩy chuỗi nhân quả lùi thêm một bước nữa., Tại sao lại có nhiều động vật nuôi ở lục địa Âu-Á hơn ở châu Mỹ? Do châu Mỹ có đến hơn 1000 loài động vật có vú hoang dã và vài nghìn giống chim hoang dã, lẽ ra châu Mỹ phải có nhiều động vật được thuần dưỡng mới phải chứ.
Trên thực tế thì chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ các động vật có vú và chim là đựoc thuần dưỡng thành công, vì việc thuần dưỡng đòi hỏi động vật hoang dã phải thoả mãn nhiều điều kiện khác nhau: một chế độ ăn mà con người có thể cung cấp, tốc độ phát triển đủ nhanh, có thể giao phối trong tình trạng bị giam giữ, có thể theo dõi được hành vi, có cấu trúc xã hội theo hướng tuân thủ những thành viên đầu đàn (hành vi này có thể được biến thành tuân thủ con người) và không hoảng loạn khi bị nhốt. Hàng nghìn năm trước đây, con người đã thuần dưỡng tất cả các động vật hoang dã có vú lớn mà đáng để thuần dưỡng, với kết quả là ngày nay không thể có thêm một loài vật quan trọng nào mới được thuần dưỡng, bất chấp những thành tựu của khoa học hiện đại.
Lục địa Âu-Á có nhiều động vật được thuần dưỡng nhất một phần bởi vì đây là lục địa có diện tích đất đai lớn nhất và cũng có nhiều loài động vật hoang dã nhất. Sự khác biệt này còn được nhân lên nhiều lần vào 13.000 năm trước đây ở cuối kỷ Băng hà, khi mà hơn 80% các loài động vật có vú lớn ở Bắc và Nam Mỹ bị tuyệt chủng, có lẽ do những người Indian đầu tiên đến nơi này. Những loài vật bị tuyệt chủng này bao gồm nhiều giống có thể đã trở thành các động vật nuôi quan trọng nếu chúng còn tồn tại, như ngựa và lạc đà Bắc Mỹ. Do vậy, số lượng động vật hoang dã kích cỡ lớn mà người Indian châu Mỹ thừa hưởng ít hơn nhiều so với người Á- Âu, và họ chỉ thuần dưỡng được duy nhất có giống llama/alpaca. Sự khác biệt giữa Tân Thế giới và Cựu Thế giới trong các loài thực vật được thuần dưỡng cũng tương tự như ở động vật, mặc dù với mức độ thấp hơn.
Một lý do khác giải thích sự đa dạng của các giống vật nuôi và cây trồng ở lục địa Âu-Á cao hơn ở châu Mỹ là vì trục chính di chuyển ở Âu-Á là trục đông/tây, trong khi trục chính ở châu Mỹ là bắc-nam. Trục đông-tây ở Âu-Á có nghĩa là các giống được thuần dưỡng ở một khu vực trong lục địa Âu-Á có thể dễ dàng được phổ biến ở những nơi cách hàng nghìn cây số nhưng cùng vĩ tuyến và do đó có độ dài ban ngày và điều kiện khí hậu tương tự khiến chúng có thể dễ dàng thích nghi. Do đó gà và cây quýt được thuần dưỡng ở Đông Nam Á đã nhanh chóng lan rộng theo hướng tây tới châu Âu. Ngựa được thuần dưỡng ở Ukraine được phổ biến sang phía đông tới Trung Quốc còn cừu, dê, gia súc, lúa mì và lúa mạch có mặt đầu tiên ở Trung Đông và nhanh chóng toả ra ở cả hướng tây và đông.
Trái lại, trục bắc/nam ở châu Mỹ có nghĩa là các giống cây trồng và vật nuôi được thuần dưỡng ở một khu vực không thể được phổ biến rộng rãi mà không gặp phải sự khác biệt về thời gian ban ngày và khí hậu khiến chúng khó lòng thích nghi. Do đó, gà tây chưa bao giờ được phổ biến từ Mexico tới dãy Andes; giống llarma/alpacas cũng chưa bao giờ được lan rộng từ dãy Andes tới Mexico và các nền văn minh của người Indian ở Bắc Mỹ và Trung Mỹ hoàn toàn không biết tới các súc vật thồ. Phải mất hàng nghìn năm cho tới khi giống ngô được trồng trong điều kiện khí hậu Mexico có thể biến đổi thành giống ngô thích nghi với điều khiện khí hậu ở Bắc Mỹ, nơi có vụ mùa và thời gian ban ngày ngắn hơn. Đó có lẽ cũng là lý do chính giải thích tại sao thung lũng Missisipi ở Bắc Mỹ, nơi có đất đai màu mỡ đủ để nuôi dưỡng một cộng đồng người Indian đông đúc và tiến bộ về chính trị, lại chỉ có thể hình thành một xã hội như vậy vào khoảng năm 1000 Công nguyên, khi cuối cùng, một giống ngô phù hợp với điều kiện khí hậu ôn đới được ra đời.
Không chỉ quan trọng trong việc giúp người châu Âu mang trong mình những loại vi trùng nguy hiểm, các loài cây trồng và động vật ở lục địa Âu-Á còn có những vai trò quan trọng khác. Chúng cho sản lượng cao hơn là các loài hoang dã, hơn nữa có nhiều loài hoang dã mà con người không thể ăn được. Do vậy, số người làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc thường đông gấp 10 đến 100 lần những người săn bắn-hái lượm. Riêng việc này đã giải thích tại sao những nông dân và người chăn nuôi ở gần như tất cả mọi nơi trên thế giới đều đẩy được những người săn bắn-hái lượm khỏi những vùng đất thích hợp cho việc trồng trọt và chăn nuôi. Các loài động vật được thuần dưỡng cũng làm thay đổi mạnh mẽ giao thông đường bộ. Chúng biến đổi triệt để nông nghiệp, bằng việc giúp người nông dân cày bừa và bón phân trên một diện tích đất đai lớn hơn nhiều so với khi người đó phải làm một mình mà không có sự trợ giúp của gia súc. Hơn nữa, các xã hội săn bắn- hái lượm thường có xu hướng quân bình hoá và không có tổ chức chính trị vượt cao hơn mức độ nhóm người hay bộ lạc trong khi đó, với sự dồi dào về lương thực, ở các xã hội nông nghiệp có thể hình thành được cơ cấu đẳng cấp cùng với một tầng lớp thượng lưu chính trị. Lương thực dôi dư của người nông dân cũng thúc đẩy sự phát triển của công nghệ, vì nó cho phép cung cấp lương thực cho thợ thủ công và những người này có thể đóng góp để phát triển thuật luyện kim, học vấn, gươm và súng.
Các nhà chuyên môn được nghề nông nuôi dưỡng còn gồm cả các binh sĩ chuyên nghiệp. Chính việc này đã tạo ra lợi thế quyết định về quân sự cho nhiều đế quốc đi chinh phục. Chẳng hạn, đó chính là lý do quyết định giúp các nhà thực dân Anh chinh phục thành công New Zealand trước những thổ dân Maori dũng mãnh và được trang bị vũ khí tốt. Mặc dù người Maori từng có một số chiến thắng đáng kinh ngạc nhưng họ chỉ có thể chiến đấu trong một thời gian ngắn rồi phải về nhà để chăm sóc vườn tược của họ. Người Maori cuối cùng phải kiệt sức trong cuộc đọ sức với các binh sĩ hoạt động toàn thời gian của đế quốc Anh.
Như vậy, chúng ta bắt đầu bằng việc xem xét một loạt các nhân tố trực tiếp như súng, vi trùng, những yếu tố đã giúp người châu Âu chinh phục châu Mỹ. Theo tôi, các nhân tố trực tiếp này có thể được truy ra tới cùng mà chủ yếu là do Cựu Thế giới có số lượng các giống cây trồng và vật nuôi lớn hơn và có trục di chuyển theo chiều đông/tây. Chuỗi nhân quả này giải thích trực tiếp cho lợi thế của Cựu Thế giới về ngựa và các vi trùng nguy hiểm. Nhưng cây trồng và vật nuôi được thuần dưỡng còn gián tiếp dẫn tới các ưu thế của lục địa Âu-Á về súng, gươm, tàu vượt đại dương, tổ chức chính trị và chữ viết. Tất cả những yếu tố đó là sản phẩm của các xã hội đông dân với mật độ dân số cao, sống định cư và có cấu trúc đẳng cấp. Mặt khác, các xã hội này ra đời là do sự phát triển của nông nghiệp.
Lịch sử châu Phi
Tiếp theo, chúng ta hãy xem xét liệu phân tích trên, được xây dựng từ sự đụng độ giữa châu Âu và thổ dân châu Mỹ, có giúp chúng ta hiểu được quá trình phát triển của lịch sử châu Phi không. Tôi sẽ tập trung vào lịch sử của châu Phi cận Sahara, do khu vực này tách biệt với lục địa Âu-Á về khoảng cách và khí hậu hơn nhiều so với Bắc Phi, nơi có lịch sử gắn liền với lịch sử lục địa Âu-Á.
Có hai vấn đề lớn trong xu hướng chung của lịch sử châu Phi cận Sahara. Trước hết, giống như chúng ta từng đặt câu hỏi tại sao Cortes xâm lược Mexico trước khi Montezuma có thể xâm lược châu Âu, chúng ta có thể hỏi tại sao các nước châu Âu lại biến châu Phi cận Sahara thành thuộc địa chứ không phải là ngược lại. Các nhân tố trực tiếp cũng tương tự: đó là súng, thép, tàu vượt đại dương, tổ chức chính trị và chữ viết; ngựa đóng vai trò ít quan trọng hơn nhiều ở châu Phi và bệnh dịch ở châu Phi có lẽ cản trở người châu Âu hơn là giúp đỡ họ. Một lần nữa, chúng ta có thể đặt câu hỏi tại sao súng và tàu biển lại được phát triển ở châu Âu chứ không phải ở châu Phi cận Sahara. Với những người nghiên cứu về sự tiến hoá của loài người, câu hỏi này đặc biệt khó trả lời, vì loài người đã tiến hoá ở châu Phi trước khi đến châu Âu hàng triệu năm. Ngay cả loài Homo sapiens cũng mới chỉ từ châu Phi đến châu Âu trong vòng 50.000 năm trở lại đây. Nếu thời gian là một nhân tố cốt lõi trong sự phát triển của các xã hội loài người thì lẽ ra châu Phi phải có lợi thế vượt trội hơn nhiều so với châu Âu.
Một câu hỏi gây bối rối khác trong tiến trình lịch sử châu Phi là sự đụng độ giữa lòng châu Phi. Cho tới cách đây 2000 năm, hầu hết lãnh thổ cận xích đạo ở châu Phi đều là địa bàn cư trú của hai nhóm người săn bắn-hái lượm: người Pygme ở các vùng xích đạo ẩm ướt và người Khoisan (còn gọi là người Bụi và ngừoi Hottentots) sinh sống tại các khu vực có khí hậu khô hơn ở phía nam châu Phi. Vào khoảng 2000 năm trước, người Bantu có xuất xứ từ vùng Tây Phi nhiệt đới đã bành trướng đến toàn bộ vùng nam châu Phi và thay thế người Khoisan ở nơi này, trừ vùng Cape và các vùng đất khô cằn không phù hợp cho nông nghiệp Sự bành trướng của người Bantu là do những lợi thế của họ so với người Pygme và người Khoisan xuất phát từ việc họ sở hữu nông nghiệp, chăn nuôi và kim loại. Nhưng chúng ta lại có thể hỏi: tại sao những lợi thế này lại có ở người Bantu chứ không phải là ở người Khoisan?
Một lần nữa, những lợi thế này chủ yếu phản ánh những khác biệt về mặt sinh-địa lý trong sự đa dạng các giống cây trồng và vật nuôi được thuần dưỡng. Trước hết với vật nuôi, thật đáng ngạc nhiên là loài động vật duy nhất được thuần dưỡng ở châu Phi cận Sahara là một giống chim, giống gà guinea (guinea fowl). Tất cả các động vật có vú được thuần dưỡng của châu Phi, bao gồm gia súc, cừu, dê, ngựa và chó-đều được du nhập vào châu Phi cận Sahara từ phía bắc, tức là từ lục địa Âu-Á. Thoạt nhìn, việc này quả thật đáng kinh ngạc vì chúng ta vẫn quen nghĩ về châu Phi như một lục địa với rất nhiều động vật có vú hoang dã kích thước lớn. Nhưng trên thực tế, không có loài động vật có vú hoang dã kích thước lớn nào của châu Phi lại dễ thuần dưỡng. Khả năng thuần dưõng chúng bị loại trừ bởi nguyên nhân này hay nguyên nhân khác như tổ chức xã hội không phù hợp, không thể theo dõi được hành vi, tốc độ phát triển chậm…Thử tưởng tượng tiến trình lịch sử thế giới sẽ như thế nào nếu như giống tê giác hay hà mã của châu Phi được thuần dưỡng. Các kỵ binh cưỡi ngựa sẽ trở nên vô dụng trước các kỵ binh cưỡi tê giác hay hà mã. Nếu như các giống này được thuần dưỡng thì có lẽ châu Phi cận Sahara đã nghiền nát được châu Âu rồi. Nhưng điều này đã không xảy ra[3].
Thay vào đó, như tôi từng đề cập, các vật nuôi ở châu Phi là những giống có gốc Âu-Á và được du nhập từ phương Bắc. Trục di chuyển dọc của châu Phi, cũng tương tự ở châu Mỹ, là trục bắc/nam chứ không phải đông/tây. Các động vật có vú được thuần dưỡng di chuyển xuống phương Nam một cách chậm chạp ở châu Phi, do chúng phải thích nghi với các khu vực khí hậu và các bệnh dịch của động vật khác nhau. Trong khi gia súc, cừu và dê đã đến cực bắc của vùng đồng bằng Serengeti vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên thì phải mất 2000 năm, chúng mới vượt qua được vùng Serengeri và tới với người Khoisan ở miền Nam châu Phi, chỉ một thời gian ngắn trước sự xâm nhập của người Bantu.
Tình hình đối với các loài thực vật được trồng ở châu Phi còn lý thú hơn. Nông nghiệp dựa trên các loài thực vật hoang dã đã xuất hiện độc lập ở châu Phi, từ bắc xích đạo cho tới hoang mạc Sahara. Trong số các giống cây trồng có nguồn gốc từ châu Phi thì bạn đọc hẳn sẽ quen thuộc nhất với cây cà phê, là một thứ cây có nguồn gốc ở Ethiopia, được thuần dưỡng ở nơi này và giờ đây đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Các giống thực vật khác được thuần dưỡng ở khu vực giữa hoang mạc Sahara và đường xích đạo gồm có cây cao lương, một số loại kê, khoai lang và cây cọ dầu. Nhưng không hề có một giống thực vật hoang dã nào được thuần dưỡng ở châu Phi từ đường xích đạo trở xuống phía Nam. Kết quả là người Bantu phát triển được nông nghiệp trong khi người Khoisan chưa bao giờ làm được điều này. Nông nghiệp được đưa vào Nam Phi theo chân người Bantu, những người đã chiếm cứ hầu hết đất đai của người Khoisan bản xứ.
Những khó khăn do trục di chuyển bắc/nam tạo ra đối với việc phổ biến các giống được thuần dưỡng ở châu Phi còn rõ ràng hơn nhiều đối với các cây trồng so với các vật nuôi. Hãy nhớ là giống cây lương thực chủ yếu ở Ai Cập thời cổ đại là các giống cây trồng của vùng Lưỡi liềm Màu mỡ (Fertile Crescent)[4] và Địa Trung Hải, bao gồm lúa mì và lúa mạch. Các giống này cần có mưa vào mùa đông và thời gian ban ngày khác nhau giữa các mùa trong năm để có thể sinh trưởng được. Do đó, các giống cây trồng này không thể được di cư xuống phía nam quá Ethiopia, vì ở những nơi này chỉ có mưa vào mùa hè và thời gian ban ngày trong năm không khác nhau hoặc rất ít khác nhau giữa các mùa. Việc phát triển nông nghiệp ở sa mạc Sahara và vùng cận Sahara phải đợi đến khi con người thuần dưỡng được các giống cây hoang dã ở những nơi này như cao lương và kê, và khi chúng đã thích nghi được với điều kiện mưa vào mùa hè cùng với thời gian ban ngày hầu như không thay đổi trong năm ở Trung Phi.
Nhưng mỉa mai thay, cũng chính vì lý do đó mà những giống cây ở Trung Phi lại không thể được phổ biến tới Nam Phi, nơi có mưa vào mùa đông và thời gian trong ngày khác nhau đáng kể giữa các mùa trong năm. Nông nghiệp ở vùng Cape của Nam Phi lại đòi hỏi các giống cây thích nghi với mưa mùa đông và thời gian ban ngày thay đổi giữa các mùa, giống như ở vùng Lưỡi liềm Màu mỡ và Địa Trung Hải. Thế nhưng các giống cây này lại không thể chịu đựng được khí hậu ở Trung Phi và do đó không thể được du nhập theo đường đất liền qua tay những người nông dân từ Địa Trung Hải cho tới Cape. Các giống cây Địa Trung Hải chỉ có thể đến được vùng Cape ở châu Phi theo chân những người định cư châu Âu vào khoảng thế kỷ 17. Đà tiến của người Bantu xuống phía Nam bị dừng lại ở Natal, khi đi quá khu vực này sẽ là khí hậu mưa mùa đông và do đó, các cây trồng của người Bantu sẽ không thể sinh trưởng. Chính sự thích nghi các giống cây trồng này đã gây ra những hậu quả xấu cho nền chính trị Nam Phi hiện nay, bởi lẽ các nông dân người Bantu chưa từng cư trú ở vùng Cape trước khi các nông dân châu Âu tới.
Một hậu quả nữa của trục di chuyển Bắc/Nam ở châu Phi là nghịch lý trong nông nghiệp ở châu Phi nhiệt đới ngày nay. Một số trong số các giống cây trồng quan trọng nhất của châu Phi nhiệt đới không phải là các giống cây có nguồn gốc ở đây mà lại là các giống cây của châu Á nhiệt đới như chuối, khoai lang và khoai sọ, hay là các giống cây ở châu Mỹ nhiệt đới như ngô và sắn. Do châu Phi nhiệt đới bị chắn bởi hai mặt đều là đại dương, các giống cây ở châu Á nhiệt đới chỉ đến được châu Phi khi các thương nhân người Arap và Indonesia bắt đầu vượt Ấn Độ Dương vào khoảng 2000 năm trước, trong khi các giống cây ở châu Mỹ nhiệt đới chỉ đến châu Phi sau khi người châu Âu đã chinh phục được Tân thế giới và đưa các giống cây trồng từ Tân thế giới tới châu Phi. Nếu như Ấn Độ Dương hay Đại Tây Dương mà đựoc nối bằng đất liền giống như hành trình theo trục đông/tây ở lục địa Âu-Á thì hẳn các giống cây trồng có nguồn gốc châu Á và châu Mỹ này sẽ tới được châu Phi nhiệt đới từ hàng nghìn năm trước nữa, cũng sớm như khi gà và cây quýt của châu Á đến được châu Âu.
Tóm lại, trục bắc/nam và sự khan hiếm các giống cây trồng và vật nuôi hoang dã có thể được thuần dưỡng đóng vai trò quyết định tới lịch sử châu Phi, giống như với lịch sử châu Mỹ. Trước tiên, người Khoisan bản xứ cư trú ở hầu hết các khu vực cận xích đạo của châu Phi không tự phát triển hay du nhập được ngành trồng trọt và họ chỉ du nhập động vật nuôi từ phương Bắc rất muộn, chỉ một thời gian ngắn trước khi họ bị áp đảo bởi những người Bantu sống trong thời Đồ sắt, đông đảo và được trang bị vũ khí tốt hơn. Thứ hai, mặc dù bản thân người Bantu cũng có một số giống cây trồng được thuần dưỡng ở Tây Phi nhiệt đới, họ chỉ có được các động vật nuôi có giá trị vào mãi sau này, khi chúng được du nhập từ phương Bắc. Do đó, lợi thế của ngưùơi châu Âu về súng ống, tàu thuyền, tổ chức chính trị và chữ viết cho phép người châu Âu chinh phục được châu Phi chứ không phải là châu Phi chinh phục châu Âu.
Lịch sử Australia
Chúng ta sẽ kết thúc chuyến du hành vòng quanh thế giới này cho lục địa cuối cùng, Australia. Cho đến thời hiện đại, Australia là lục địa duy nhất chỉ có người săn bắn-hái lượm cư trú. Các thổ dân Australia không biết tới nghề trồng trọt hay chăn nuôi, không có chữ viết, không có các công cụ kim loại và không có tổ chức chính trị nào vượt quá cấp độ bộ lạc hay nhóm người. Đó chính là lý do tại sao súng và vi trùng của châu Âu có thể phá huỷ xã hội của thổ dân Australia. Nhưng tại sao tất cả thổ dân Australia lại vẫn chỉ làm nghề săn bắn-hái lượm?
Có ba lý do hiển nhiên. Trước hết, cho tới tận ngày nay cũng không có giống động vật nào và chỉ có duy nhất một giống thực vật (giống hạch macadomia) là phù hợp để thuần dưỡng. Hiện nay, vẫn chưa có con kangaroo nào được thuần dưỡng cả.
Thứ hai, Australia là lục địa nhỏ nhất, và chỉ có thể nuôi dưỡng số lượng dân cư ít do lượng mưa và năng suất thấp. Do đó, tổng số người săn bắn-hái lượm ở Australia chỉ vào khoảng 300.000 người.
Cuối cùng, Australia là lục địa bị cô lập nhất. Mối liên hệ duy nhất với thế giới bên ngoài của thổ dân Australia là các liên hệ không thường xuyên với người New Guinea và người Indonesia. Vùng bờ biển miền Tây Bắc của Australia, nơi đôi khi có các ngư dân Indonesia đến, là vùng đất khô cằn nhất của Australia và không thích hợp để trồng trọt bất cứ loại cây trồng nào mà người Indonesia có thể mang theo. Do vậy, những cản trở về văn hoá giữa Australia với Indonesia hay New Guinea là rất lớn. Chẳng hạn, ở New Guinea đã có cung tên, nông nghiệp, lợn, gà và đồ gốm từ hàng nghìn năm nhưng chưa từng có sản phẩm nào trong số này băng được qua khoảng cách vài trăm dặm mặt biển của Eo biển Torres để tới được Australia.
Để có được ý tưởng về vai trò của quy mô dân số nhỏ và sự cô lập tới tốc độ phát triển ở Australia, chúng ta hãy xem xét trường hợp đảo Tasmania của Australia, nơi tồn tại một xã hội loài người kỳ lạ nhất trong thế giới hiện đại. Tasmania là một hòn đảo có diện tích khoảng 26.000 dặm vuông, nằm cách Australia chừng 130 dặm về phía nam của Australia. Khi người châu Âu lần đầu đến nơi này vào năm 1642, có khoảng 4000 người săn bắn-hái lượm cư ngụ ở đây, họ có họ hàng với thổ dân trên lục địa Australia nhưng chỉ có những dụng cụ đơn giản nhất trên thế giới. Các đặc điểm văn hoá tồn tại ở thổ dân Australia mà không có ở Tasmania gồm có những thứ sau. Người Tasmania không thể tự tạo ra lửa, nếu lửa bếp ở một gia đình tắt, họ phải lấy lửa từ nhà hàng xóm để đốt lại. Vũ khí duy nhất của người Tasmania là giáo cầm tay và chuỳ. Họ không có boomerang, lao để phóng và khiên như thổ dân lục địa Australia. Người Tasmania không có các công cụ bằng xương, không có các dụng cụ chuyên môn bằng đá và không có các công cụ phức tạp như một chiếc đầu rìu gắn với tay cầm. Công cụ đồ đá duy nhất của họ là một cái nạo cầm tay rất thô cục và không có những cạnh sắc. Chỉ với những cái nạo này, người Tasmania không thể chặt cây hay khoét gỗ để làm xuồng. Họ cũng không có đồ khâu vá, lưới, bẫy và dây thừng. Do họ không thể khâu vá, quần áo của họ chỉ là một tấm áo và thường được mặc bằng cách choàng lên vai. Các bè nước của họ là những tấm bè gỗ chỉ có thể nổi trong chừng 10 dặm. Mặc dù họ cư trú chủ yếu ở bờ biển, điều đáng kinh ngạc là người TasmaniaHo là họ không biết đánh cá hay ăn cá.
Các nhà nhân chủng học thường cảm thấy khó xử khi nói tới người Tasmania, vì số phận tồi tệ của họ. Họ bị thực dân Anh diệt chủng trong vòng vài thập kỷ. Việc thừa nhận rằng người Tasmania có công nghệ đơn giản sẽ có vẻ như là một lời biện minh cho sự diệt chủng của họ, một việc làm tất nhiên là ngớ ngẩn. Cụ thể, một số nhà nhân chủng khẳng định rằng người Tasmania có công nghệ đơn giản bởi vì họ không cần đến những gì phức tạp. Cách dẫn giải này của họ rõ ràng là thiếu chính xác. Loài người ở tất cả mọi nơi trên thế giới đều sẽ tiện lợi hơn nếu như có thể tự nhóm lửa, sở hữu lưới và bẫy, may vá quần áo để giữ ấm trong những ngày đông giá rét và sở hữu những công cụ như cung và lao với sức tấn công mạnh mẽ hơn nhiều so với giáo cầm tay. Người Tasmania chắc chắn sẽ được hưởng lợi ích từ những thứ này như những nhóm người khác, và việc người Tasmania không có chúng là một vấn đề thực sự. Các chỗ hổng này trong nền văn hoá vật chất của ngưừoi Tasmania đã xuất hiện như thế nào?
Hãy nhớ là Tasmania từng nối liền với lục địa Australia vào thời Pleistocene khi mực nước biển thấp, cho tới khi cầu đất nối liền giữa Tasmania và Australia bị đứt đoạn vì mực nước biến dâng cao vào khoảng 12.000 năm trước. Hàng chục nghìn năm trước đây, con người đã đến Tasmania, khi đó còn là một phần của Australia. Nhưng khi cầu đất nối liền bị cắt đứt thì không còn mối liên hệ nào giữa người Tasmania và người Australia ở lục địa hay với các nhóm người khác cho tới khi nhà thám hiểm Hà Lan Abel Tasman đặt chân tới đây vào năm 1642. Lý do là cả người Tasmania và thổ dân lục địa Australia đều không có những chiếc bè nước có khả năng vượt được eo biển dài 130 dặm nằm giữa Tasmania và Australia. Lịch sử của Tasmania do đó là lịch sử của một nhóm người bị cô lập chưa từng có- ngơại trừ trong các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng- họ hoàn toàn biệt lập với các nhóm người khác trong khoảng 12.000 năm.
Nếu như tất cả các công cụ mà tôi đề cập tới ở trên không tồn tại ở Tasmania nhưng lại có ở lục địa Australia trên thực tế là do người Australia tạo ra trong 12.000 năm qua thì chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn là người Tasmania không phát minh ra chúng. Nhưng thật đáng ngạc nhiên là các bằng chứng khảo cổ lại cho thấy kết luận khác. Người Tasmania thực ra đã bỏ không dùng một số công nghệ mà họ mang theo từ Australia, những công nghệ này vẫn tiếp tục tồn tại ở lục địa Australia. Ví dụ, các công cụ bằng xương và việc đánh bắt cá đã có mặt ở Tasmania vào thời điểm cầu đất nối liền bị gián đoạn nhưng cả hai đều biến mất ở Tasmania vào khoảng 1500 trước Công nguyên. Sự kiện này đã làm mất đi những công nghệ có nhiều lợi ích: người Tasmania lẽ ra đã có thể hun khói cá để có lương thực vào mùa đông và sử dụng các mũi kim bằng xương để may vá quần áo ấm. Nhưng tại sao lại có những tổn thất văn hoá như thế?
Lời giải thích duy nhất hợp lý đối với tôi là như sau. Tất cả các xã hội loài người đều trải qua các giai đoạn nhất thời khi chúng, hoặc là tiếp thu những công nghệ ít có tác dụng, hoặc bỏ không sử dụng những công nghệ có nhiều lợi ích. Chẳng hạn, đã xảy ra nhiều trường hợp một số nhóm người sinh sống trên các đảo Thái Bình Dương đột nhiên quyết định giết tất cả các con lợn của họ cho dù lợn là động vật có vú kích cỡ lớn duy nhất mà họ sở hữu. Nhưng cuối cùng, các dân đảo Thái Bình Dương này cũng nhận ra rằng lợn có ích cho đời sống của họ và họ nhập một giống lợn mới từ một hòn đảo khác. Mỗi khi những hành động ngớ ngẩn như trên xảy ra ở một vùng đất gồm nhiều nhóm người sống cạnh nhau thì chỉ có một số nhóm là thực hiện những hành động này. Các nhóm khác sẽ tiếp tục duy trì những tập quán có ích và, hoặc là sẽ vượt trội so với nhóm người huỷ bỏ tập quán, hoặc sẽ trở thành tấm gương để các nhóm từng huỷ bỏ tập quán hối hận về sai lầm của họ và quay trở lại với tập quán. Nếu như người Tasmania vẫn giữ liên lạc với thổ dân Australia lục địa, có lẽ họ đã phát hiện lại lợi ích của công nghệ đánh bắt cá và cách thức làm ra các công cụ bằng xương. Nhưng điều này đã không thể xảy ra trong tình trạng bị cô lập hoàn toàn của Tasmania, và các tổn thất văn hoá trở nên không thể đảo ngược.
Trong trường hợp bạn vẫn cảm thấy khó mà tin được rằng các tổn thất văn hoá này thực sự đã diễn ra ở Tasmania, thì còn có nhiều ví dụ tương tự ở các đảo Thái Bình Dương, chẳng hạn ở quần đảo bị cô lập Chatham, nằm ở phía đông New Zealand. Quần đảo này là địa bàn cư trú của người Maori đến từ New Zealand, những người này tiếp tục sống ở đây trong tình trạng hoàn toàn cô lập trong vòng ít nhất là 5 thế kỷ. Có khoảng 14 đảo nhỏ và bị cô lập ở Thái Bình Dương mà cư dân sống sống trên đấy bị tuyệt chủng sau nhiều thế kỷ. Hòn đảo nổi tiếng nhất trong số này là đảo Pittcairn, được biết đến nhờ phát hiện của các thuỷ thủ nổi loạn trên tàu H.M.S Bounty vào nhiều thế kỷ sau khi cư dân bản xứ Polynesian ở đây bị tuyệt chủng. Tất cả các hòn đảo tại đó con người tuyệt chủng đều rất nhỏ và chỉ có thể làm nơi sinh sống cho nhiều nhất là vài trăm người. Rõ ràng, con số vài trăm ngươìi là quá nhỏ để duy trì được một cộng đồng người sống hoàn toàn tách biệt. Cũng tương tự, con số 4000 người Tasmania và 2000 người Chatham tuy đủ để giữ cho cộng đồng của họ tồn tại nhưng không đủ để bảo vệ cộng đồng của họ trước các tổn thất lớn về văn hoá.
Tóm lại, ý nghĩa chính từ sự khác biệt giữa người Tasmania và thổ dân lục địa Australia là như sau. Nếu như tất cả các yếu tố khác không thay đổi thì tốc độ phát minh của con người sẽ cao hơn và tốc độ mất mát về văn hoá sẽ thấp hơn ở các lãnh thổ là nơi cư ngụ của nhiều cộng đồng cạnh tranh với nhau, với nhiều cá thể và có mối liên hệ với các cộng đồng khác. Nếu cách diễn giải này là đúng đắn thì có lẽ, nó còn có ý nghĩa rộng hơn nhiều. Nó phần nào giải thích (bên cạnh lý do Australia có ít các động vật và thực vật có thể được thuần dưỡng) cho việc thổ dân Australia vẫn ở trong tình trạng săn bắn-hái lượm vào thời Đồ đá, trong khi các nhóm người ở các lục địa khác đã tiếp thu được nghề nông và biết sử dụng kim loại. Điều này cũng góp phần tạo ra những khác biệt như tôi đã đề cập giữa các nông dân ở châu Phi cận Sahara cũng như những khác biệt ở châu Mỹ, nơi có diện tích rộng lớn hơn và ở lục địa Âu-Á, nơi còn có diện tích còn lớn hơn nữa.
Kết luận và quan điểm
Ý nghĩa chung của chuyến du hành xuyên suốt lịch sử loài người này là lịch sử của chúng ta được nhào nặn bởi môi trường mà chúng ta sống. Xu hướng chung nhất trong lịch sử con người- tức là sự khác biệt giữa các cộng đồng người cư trú ở các lục địa khác nhau- theo tôi là do các khác biệt trong điều kiện môi trường ở các lục địa. Cụ thể hơn, mức độ phong phú của các giống thực vật và động vật hoang dã phù hợp cho việc thuần dưỡng và khả năng các giống này có thể được phát tán mà không gặp phải các điều kiện khí hậu bất lợi, đóng vai trò quyết định giải thích sự khác nhau trong tốc độ phát triển nông nghiệp và chăn nuôi ở các lục địa. Việc này đến lượt nó lại đóng vai trò quyết định tới số lượng dân cư, mật độ dân số và mức độ dôi thừa lương thực và những yếu tố này sẽ đóng góp quyết định đến việc phát triển chữ viết, công nghệ và tổ chức chính trị. Thêm vào đó, lịch sử của Tasmania và các cộng đồng bị cô lập còn cho chúng ta thấy các lục địa và mức độ cô lập, bằng việc quyết định số lượng các cộng đồng cạnh tranh nhau cư trú ở đó, là một nhân tố quan trọng khác đối với sự phát triển của con người.
Với tư cách là một nhà sinh vật học với kinh nghiệm khoa học thực chứng trong phòng thí nghiệm, tôi cũng biết rằng những diễn giải này của tôi có thể sẽ bị xem như các phỏng đoán không thể chứng minh được, do chúng không được xây dựng trên cơ sở các thí nghiệm khoa học có thể lặp lại được. Nhưng người ta cũng có thể sử dụng lý lẽ tương tự để để chống lại bất kỳ ngành khoa học lịch sử nào, kể cả thiên văn học, sinh học tiến hoá và cổ sinh vật học. Và tất nhiên là người ta cũng có thể sử dụng nó để chống lại toàn bộ môn lịch sử. Đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta lại thường cảm thấy ngần ngại khi xem lịch sử là một môn khoa học: lịch sử được phân loại là khoa học xã hội và khoa học xã hội thì không được coi là khoa học cho lắm.
Nhưung cần nhớ rằng từ “:khoa học” không phải được phái sinh bởi cụm từ “thí nghiệm có thể lặp lại” trong tiếng Latin mà bởi từ “tri thức”. Trong khoa học, chúng ta tìm kiếm tri thức và hiểu biết bằng tất cả các phương tiện sẵn có và phù hợp. Có nhiều lĩnh vực mà không ai ngần ngại coi đó là khoa học cho dù việc áp dụng các thí nghiệm có thể lặp lại ở các lĩnh vực này sẽ là vô đạo đức, bất hợp pháp hay không khả thi. Chúng ta không thể điều khiển các vì sao trong khi giữ nguyên các vì sao khác cố định, không thể bắt đầu hay kết thúc kỷ băng hà, cũng không thể thí nghiệm với sự tiến hoá của loài khủng long. Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể có được những hiểu biết đáng kể trong các lĩnh vực lịch sử này bằng những phương cách khác. Chúng ta có thể hiểu được lịch sử loài người, vì sự tự xem xét và những ghi chép được lưu giữ giúp chúng ta hiểu hơn nhiều về cuộc sống trong quá khứ của con người so với của loài khủng long. Và vì lý do này mà tôi tin tưởng rằng cuối cùng, chúng ta sẽ có thể có được những giải thích có tính thuyết phục cho xu hướng chung nhất trong lịch sử con người.
Các tài liệu đọc thêm
Cavalli-Sforza, L. L. and Cavalli-Sforza, F. The Great Human Diasporas, Reading, MA: Addison-Wesley, 1995.
Crosby, A. Ecological Imperialism: The Biological Expansion of Europe, 900-1900, Cambridge: Cambridge University Press, 1986.
Diamond, J. M. Guns, Germs and Steel, New York: W.W. Norton, London: Jonathan Cape/Random House, 1997.
Zohary, D. and Hopf,M. Domestication of Plants in the Old World, 2nd edition, Oxford: Oxford University Press, 1993.
(Dịch từ “The Evolution of Guns and Germs”, Chương 2 trong cuốn “Evolution- Society, Science and the Universe”, chủ biên bởi A.C Fabian, Cambridge University Press, 1998. Các chú thích là của người dịch)
[1] Tên hai loài lạc đà không bướu ở Nam Mỹ, có chung nguồn gốc.
[2] Một loài động vật, tuy tên là lợn Guinea nhưng thực chất thuộc bộ gặm nhấm, cư trú ở châu Mỹ.
[3] Ở đây, có lẽ Jared Diamond có phần nhấn mạnh quá yếu tố này. Chúng ta biết là voi chiến được thuần dưỡng ở Ấn Độ và có vai trò rất quan trọng trong các trận chiến thời cổ đại như giữa Porus (Ấn Độ) và Alexander Đại đế, giữa Hannibal (Carthage) và La Mã… Nhưng bản thân việc này đã không thay đổi được đáng kể tiến trình lịch sử như những gì đã diễn ra trên thực tế.
[4] Tên gọi vùng đất bao gồm Ai Cập cổ đại, Lưỡng Hà và Levant (dải đất nối giữa Ai Cập với Lưỡng Hà), là vùng đất đai màu mỡ và có hình giống lưỡi liềm.