Kinh tế Mỹ thời Bush
Bài của Nguyễn Quang trên báo Diễn đàn về nước Mỹ thời W Bush. Trong bài viết của mình, tác giả đề cập tới sự phục hồi và vươn dài của chủ nghĩa bảo thủ và đơn phương ở Mỹ, các rạn nứt xã hội đang ngày càng trầm trọng và tương lai bi quan của nước Mỹ về kinh tế. Xin trích dẫn một số đoạn nói về kinh tế Mỹ hiện nay (tiêu đề do tôi đặt):
Nghèo khổ và bảo hiểm xã hội
Trong khi Bush I tặng quà thuế khoá cho các nhà tỉ phú và triệu phú thì có thêm 4 triệu người Mĩ phải sống dưới ngưỡng nghèo khó. Kết quả là : tính đến cuối năm 2003, tổng cộng có tới 36 triệu người (12,5 % dân số) sống dưới mức nghèo khó. Trong khi chi tiêu về sức khoẻ nhảy vọt (lên tới 15 % GNP), bảo hiểm sức khoẻ cho người ăn lương tăng 60 % trong vòng 4 năm, mang lại một nguồn lợi lớn cho các « Health Maintenance Organizations » (công ti bảo hiểm sức khoẻ tư nhân), còn chương trình tranh cử của Đảng cộng hoà dự trù đặt ra Quỹ tiết kiệm cá nhân về sức khoẻ (Health Savings Account) mà thực chất là tiền bảo hiểm sức khoẻ không còn do doanh nghiệp đóng góp nữa, mà do cá nhân mỗi người làm công, thì năm 2003, có tới 45 triệu người Mĩ (15,6 % dân số) không còn được bảo hiểm xã hội về sức khoẻ nữa. Một triệu chứng chưa từng có : trong số 45 triệu người này, có tới 8 triệu không phải là thất nghiệp hay nghèo khó, sống bằng trợ cấp xã hội, mà là những « lao động nghèo » (working poors), tức là người làm thuê trong những doanh nghiệp nhỏ, nhân viên kí hợp đồng với các công sở, những người làm việc bán phần, những người làm việc lặt vặt... lương lậu quá thấp để có thể trang trải cả tiền thuê nhà, tiền đi lại và bảo hiểm sức khoẻ.
Thất nghiệp
...trong vòng 4 năm, công nghiệp đã mất đi 2,7 triệu chỗ làm, không những trong khu vực I như dệt may, luyện kim, mà cả trong những ngành tiên tiến như công nghiệp bán dẫn (semi-conducteurs) mất đi 1/3 nhân dụng, hay những ngành « công nghệ cao » (high-tech) hiểu theo nghĩa rộng (mất 1/4 nhân dụng) ; tiếp theo đó, và nghiêm trọng hơn, khu vực dịch vụ cũng bị tác động bởi quá trình « outsourcing » chuyển dời doanh nghiệp sang các nước « đang lên » (6). Thật vậy, trong một thời kì đầu, sản xuất công nghiệp được chuyển sang những nước nhân công rẻ (Đông Nam Á, Trung Quốc), sang giai đoạn hiện nay, 90 % các doanh nghiệp Mĩ đã làm « outsourcing ».
Thâm hụt ngân sách, vay nợ và các vấn đề khác
Về kinh tế, trong sự tái diễn « hao hụt song sinh » và sự mất giá của đồng đô la. Để trang trải cho chính sách « Dooh Nibor » và chi phí chiến tranh phòng ngừa, Bush I đã gây ra hao hụt ngân sách : - 413 tỉ đô la năm 2004, một kỉ lục tuyệt đối (3,6 % tổng sản lượng quốc nội GNP) song có cơ sẽ bị phá trong những năm tới đây vì các chuyên gia chờ đợi từ đây tới năm 2011, chính quyền Hoa Kì sẽ chồng chất thêm 3000 tỉ đô la nữa. Song song với hao hụt ngân sách là hao hụt cán cân thương mại (-500 tỉ đô la năm 2004) do tiêu thụ quá mức. Vì cặp « hao hụt song sinh » (« twin deficits ») ấy mà hiện nay, mỗi ngày Hoa Kì phải vay thêm 1,1 tỉ đô la, và số lãi suất phải trả đã lớn hơn toàn bộ ngân sách giáo dục, an ninh quốc nội, tư pháp, công an, cựu chiến binh, thăm dò không gian và viện trợ quốc tế cộng lại (6). Hiện tượng này không mới (chỉ mới về quy mô khổng lồ). Cũng như cái « cơ cấu đế chế » đã cho phép Hoa Kì sống bằng vay mượn dài hạn, cuốn hút 80 % quỹ tiết kiệm toàn cầu (xem (5)).
Trừ phi nói rằng cuộc « cách mạng bảo thủ » sẽ không tốn kém xu nào, khó tưởng tượng Bush II có phép thần thông giảm vừa một nửa các hao hụt vừa tiếp tục quà cáp cho thiểu số nhà giàu bằng cách giảm thuế – đó là không nói đến ngân sách chiến tranh. Paul Krugman nhận xét : « Tài chính nước ta là tài chính của một nước cộng hoà trồng chuối (kiểu Nam Mĩ) ; đơn giản là vì (tạm thời) thị trường đánh cuộc rằng thể chế chính trị của chúng ta không phải là thể chế cộng hoà trồng chuối. Khốn nỗi tôi tin rằng sẽ sớm tới một lúc, trong nhiệm kì thứ nhì, thị trường sẽ từ chối đánh cuộc ».
Giống như những nhân vật trong phim hoạt hoạ chạy quá đà trong khoảng không, người dân Mĩ chưa nhận thấy là có lẽ họ đang vấp ngã. Sự sụt giá của đồng đô la (trong vòng một năm sụt 30 % so với đồng euro) phải chăng là dấu hiệu của sự té nhào đó ? Tất nhiên có thể nghĩ tới chủ trương « hạ giá để cạnh tranh », tới tiền lệ « safe landing » (hạ cánh an toàn) năm 1985, khi Mĩ, châu Âu và Nhật Bản đã thành công trong việc hạ giá 40 % cho đồng đô la trong vòng hai năm. Nhưng bối cảnh thế giới đã đổi thay, trong « khí hậu » (chủ nghĩa đơn phương của Mĩ) cũng như trong cơ cấu của các quân bình (những khuyết tật trong cơ cấu của nền kinh tế Mĩ). Song song với sự mất giá của đồng đô la, một bằng chứng khác là thái độ không mấy mặn mà của các ngân hàng trung ương Á Châu (hiện đang giữ 2000 tỉ đô la tài sản 'có' của Mĩ) khi Ngân khố Hoa Kỳ tung ra đợt công trái vừa qua. Phải chăng đó là những chỉ dấu báo hiệu một cuộc khủng hoảng tài chính ? Sẽ là một điều nghịch lí – song lịch sử thiếu gì nghịch lí – nếu như triều Bush II đánh dấu mạt vận của đế chế Mĩ.
2 Comments:
Excellent, love it! » » »
By Anonymous, at 3/02/2007 4:53 PM
Very cool design! Useful information. Go on!
By Anonymous, at 3/14/2007 1:33 PM
Post a Comment
<< Home