Nowhere Land

Thursday, October 06, 2005

Đám cưới không có giấy giá thú

Tiểu thuyết của Ma Văn Kháng. Mua ở Việt Nam từ lâu rồi thì phải. Mang theo lên máy bay khi rời VN định để đọc trên máy bay nhưng rồi cũng không đọc. Hai hôm trước đây mới vớ ra đọc. Cũng không expect gì nhiều vì trước đó cũng đọc một ít của Ma Văn Kháng và cảm thấy không thích lắm, nhất là về tiểu thuyết (có đọc 1 hay 2 cuốn trước đó). Có cảm giác ông hơi nghiệt ngã và nhiều chỗ có phần thô thiển. Mặc dù công nhận ông là một người viết sắc sảo và lạnh lùng. Nhưng có lẽ cũng vì thế mà văn ông hơi khô chăng, văn ông không có cái say đắm đến đau đớn như đang lên đồng của Bảo Ninh, cũng không có cái sắc lạnh mà như dồn nén cảm xúc xuống đáy sâu như Nguyễn Huy Thiệp. Đọc Ma Văn Kháng có cảm giác như gặp một ông thầy Tàu, người có cái nhìn sắc lạnh nhưng người đối thoại rất khó đoán được ông ta nghĩ gì trong đầu mình.

Nhưng hoá ra cuốn này hay hơn mình expected. Hoặc có lẽ trước kia mình cũng dễ dị ứng với những cái gì có vẻ ngoài là hơi hằn học hơn vì khó đặt mình vào trường hợp của người khác.

Cuốn truyện viết từ cuối những năm 80, kể về các câu chuyện diễn ra ở một trường trung học trong thời buổi xã hội nhố nhăng giữa những năm 80. Kể ra mình cũng từng sống qua giai đoạn đó nên có những thứ vẫn còn nhớ được, mặc dù những ký ức đó khá mơ hồ và không hệ thống.

Đám cưới không có giấy giá thú hay là cuộc hôn nhân gượng gạo giữa trí thức và chính quyền. Những đổ vỡ, suy thoái đạo đức trong môi trường giáo dục và rộng hơn, trong cả xã hội khi sự giả dối lý tưởng, nhâng nháo con buôn, ti tiện bần nông, hèn nhát giả trí thức cùng chen vai thích cánh để mà tồn tại. Hơi ngạc nhiên vì một cuốn sách có tư tưởng phản kháng mạnh như thế hình như lại tương đối ít được biết đến, so với các cuốn sách khác của Dương Thu Hương, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp...chẳng hạn. Và Ma Văn Kháng hình như cũng không bị vấn đề gì về chính trị so với các nhà văn trên.

Một cuốn sách đáng để đọc để hiểu thêm về một thời mà những di căn của nó không phải là không gây ra nhiều vấn đề trong xã hội Việt Nam trong thế kỷ 21 này. Cũng đã gần 20 năm rồi và chúng ta vẫn chưa rõ được mình đang đi đâu, về đâu.Và chúng ta cũng khó lòng biết được 20 năm nữa chúng ta sẽ đi đến đấu. Chả nhẽ vẫn cứ là nowhere land?

2 Comments:

  • Có bài sau của Tiểu Vũ đăng trên langven, không phải không có nhiều điều có lý. Tư tưởng rất gần với Ma Văn Kháng trong cuốn sách nêu trên

    Cứ so sánh một cách tương đối thời xưa với thời nay trên cái đất An Nam này thì thấy khác nhau xa lắm.

    Đầu tiên cứ nhìn vào trường lớp. Học trò trước kia tới lớp gọi thày xưng con, khúm núm khép nép. Nghề thày đồ tuy chẳng giàu có gì nhưng vẫn có dáng lắm. Ừ thì một phần đa số các cụ ta xưa kia mù chữ nên phải kính nhi viễn chi. Ừ thì bây giờ học trò gọi thày xưng em nghe cũng cởi mở, đại chúng hơn. Ừ thì trước kia thày đồ nắm chìa khoá cánh cửa đầu tiên tiến dẫn con người trên con đường khoa cử và quyền lực chính trị nên đương nhiên phải trọng. Ừ thì thực ra Nho sĩ cũng đa phần chẳng ra gì, trì kéo đất nước một thời tụt hậu trước chúng bạn năm châu. Cơ mà cứ nhìn cảnh nhà giáo ngày nay nhiều người không còn giữ được tư cách làm thày mà không khỏi chạnh lòng. Lỗi do ai? Tất nhiên lỗi từ cơ chế tuyển dụng và đào tạo giáo viên. Cơ chế có lỗi thì ai phải chịu trách nhiệm? Tất nhiên lỗi từ kẻ xây dựng và vận hành cơ chế. Quy nạp logic thì đó là lỗi từ trên thượng tầng kiến trúc .

    Bây giờ hãy nhìn sang bộ máy hành chính. Quan chức thời nay với quan lại xưa kia có khác nhau điểm nào không? Có đấy. Quan lại xưa kia phải qua trường lớp, khoa cử nghiêm ngặt. Học toét mắt, nhoèn não, rồi chen vai thích cánh chí chết, chưa kể thêm phần may mắn mới ra mở mặt được với đời. Thời nay, thày giáo thành con buôn nên học vị nhiều như đất. Tri thức không còn là thứ có thể được chứng nhận đáng tin cậy. Chưa kể trí thức một thời bị coi còn thua cục ... Vậy nên muốn làm quan thời nay phải theo cách của thời nay. Quan thời nay có tham hơn quan thời xưa không? Không biết (có lẽ là không vì con người bản chất thời nào chả vậy). Nhưng quan ngày nay ít được xem trọng hơn ngày xưa là cái chắc. Ông huyện về hưu xưa kia vẫn được nể vì, ít ra vì cái học vị tiến sĩ của ông tuy không đem ra nhai được nhưng vẫn còn đáng trọng lắm lắm. Ngày nay ông quan về hưu còn lại gì? Tiền bạc, quan hệ, ân đức. Chỉ hai cái đầu tiên là đáng kể. Cái thứ ba, đèn nhà ai nhà nấy rạng nào ai biết là đâu. Quan trường thời buổi đức mạt này là thế. Xưa kia thời phong kiến hỗn mang vẫn có những vị quan thanh liêm. Có ông tể tướng về vườn còn được dân chúng thương mến tặng hai câu ca dao:
    "Chàng về Vạn, Vạn chàng ơi
    Con chàng bỏ đói ai nuôi cho chàng"
    Ngày nay tiếng là thời bình mà nào được vậy. Giữa chốn tranh tối tranh sáng, kẻ ngay người gian lẫn lộn, thói nhân danh giả hình đầy rẫy, biết mặt chứ ai biết thực lòng nhau.

    Đó là cái độc đáo riêng của thời nay. Lấy vô học trị trí thức, lấy thủ đoạn thời loạn (thời còn làm cách mạng) làm đường lối, khuôn khổ cho thời bình, lấy số ít nhân danh số đông, dựng cảnh mờ ảo hư thực cho kẻ gian trục lợi, người ngay bị chụp mũ cô lập. Hiện trạng trường chính trị nước ta hiện nay quả là phong phú, vô tiền khoáng hậu. Sao làm quan ngày nay lại tai quái ma muội thế? Đương nhiên từ cơ chế tuyển dụng và giám sát. Vầng, tóm lại vẫn quay về cơ chế hành chính thượng tầng.

    Quan trường là vậy, vua ta thì sao? Có người bảo, ngày nay ta "không có vua". Phải có vua chứ! Có điều vua là ai, đố mi biết đấy! Đặc điểm thời loạn thường là kẻ dưới giật dây điều khiển người trên. Vua không minh thì phép tắc luật lệ đảo nghịch, phương hướng dịch chuyển, công thần thành tội thần, tội thần thành công thần. Cứ vậy mà suy thì ta đang trong thời loạn hay thời bình vậy?

    Người xưa có câu "thày không tinh vì quan không liêm, quan không liêm vì vua không minh". Mấu chốt cuối cùng vẫn luôn quay về cơ chế thượng tầng. Bản chất cuối cùng vẫn là nhân tố con người. Con người luôn vốn thế. Loạn lạc, bất công, tham tàn, xưa nay vẫn hiện diện trong bản chất. Chỉ tuỳ vào điều kiện và cơ chế mà những thói xấu ấy hiện diện và phổ biến ít hay nhiều.

    Này thì vô sản thế giới đoàn kết lại. Vô sản là ai? Vô sản là ta. Đói cơm rách áo suy ra vô sản. Thời xưa vô sản là đáng xấu hổ, vô sản phải biết đấu tranh tự lực vươn lên. Thời nay vô sản không có gì phải xấu hổ, vô sản đoàn kết thành bầy đoàn, rồi phù phép ảo thuật để biến từ không ra có. Không ra có? Đố bạn, không tham ô, không cướp, không lừa gạt, có cách gì nhanh chóng dễ dàng hơn để biến trạng thái vô sản thành "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu"? Cho nên thủ đoạn nối tiếp thủ đoạn. Thủ đoạn mẹ đẻ thủ đoạn con. Thủ đoạn sau bào chữa, ém nhẹm thủ đoạn trước. Từ không ra có, từ có lại về không, uyển chuyển, nhạy bén vô cùng.

    Không ở đâu thủ thuật nhân danh đồng thanh hô khẩu hiệu lại được vận dụng tinh vi và thành công đến thế. Thành công trong cách mạng, thành công trong chiến tranh, tiếp tục thành công rực rỡ vang dội trong hoà bình. "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Tốt quá đi chứ, bấy nhiêu năm đổi mới đất nước mạnh mẽ chuyển mình. Không có đường lối lãnh đạo sáng suốt, vua tôi đoàn kết một lòng thì nào được như thế. Vua ta là vua nhân trị trong lý tưởng Lão, Trang. Huyền bí tài tình tới mức không ai công khai phân tích nổi vua đã làm gì, hiệu quả được mất ra sao, công lao cao thấp tới cỡ nào (chỉ biết là to lớn lắm). Tóm lại là vô vi tới mức không ai biết thực sự, vua là ai. Vô vi tới mức "không có vua"!!

    Vầng, tình hình nước ta nó thế. Nhặt nhạnh ra để thấy tình hình nó rất tình hình. Tuy cùng là tình hình nhưng tình hình xưa nó khác nay nhiều lắm. Nước Nam ta từ xưa vẫn ra ngõ gặp anh hùng. Ngày nay thế sự phức tạp, trăm đường ngang ngửa. Anh hùng có khi là vô lại. Có vô lại na ná giống anh hùng. Cho nên kẻ hiểu chuyện, ra đường gặp người xấu sợ. Gặp người tốt cũng vẫn ... đề phòng. Gặp kẻ quyền thế thì khúm núm. Gặp kẻ vô quyền vô thế cũng sẵn sàng ... nhún nhường, biết đâu hắn dây mơ rễ má với ông Năm bà Bảy nào. Khúm núm, nhún nhường đấy, để rồi thời thế thế thế thời phải thế, con ông con bà thất thế lại ra quét chùa. Với cơ chế ngày nay, Thày chẳng trọng, Quan chẳng trọng, Vua chẳng biết nơi đâu. Trăm năm trong cuộc nhân sinh, có thời thế nào kỳ quái hơn thời thế này?

    By Blogger Linh, at 10/06/2005 11:54 PM  

  • cuon nay noi tieng day chu, nhung ma em chua doc.

    By Anonymous Anonymous, at 10/07/2005 2:41 AM  

Post a Comment

<< Home